Sự phân chia nước Tấn Chiến_Quốc

Xem chi tiết: Tấn (nước)Một vật phục sức hình rồng bằng ngọc bích từ thời Chiến Quốc.

Ở giai đoạn Xuân Thu, nước Tấn (晉) là nước mạnh nhất trong số các chư hầu với thời gian làm bá chủ lâu hơn cả. Tuy nhiên, gần cuối thời Xuân Thu, quyền lực của vị vua cai trị tại đó đã giảm sút, nước Tấn dần rơi vào sự kiểm soát của sáu dòng họ lớn (lục khanh - 六卿). Tới đầu thời Chiến Quốc, sau nhiều cuộc chiến tranh giành quyền lực, có bốn dòng họ còn sót lại là họ Trí (智), họ Nguỵ (魏), họ Triệu (趙), và họ Hàn (韓), trong đó họ Trí có thế lực mạnh nhất. Trí Bá (Trí Dao 智瑶) liên minh với họ Nguỵ và họ Hàn để đánh Triệu Tương Tử (Triệu Vô Tuất). Tuy nhiên, vì tính kiêu ngạo của Trí Dao nên họ Triệu đã bí mật thông đồng với họ Ngụy và họ Hàn lật ngược tình thế, tiêu diệt họ Trí.

Năm 403 TCN, ba họ lớn nước Tấn, với sự đồng ý của vua Chu, chia nước Tấn thành ba nước (三家分晉): Hàn, Triệu, và Ngụy. Ba người đứng đầu ba họ được phong tước Hầu (侯), và bởi vì cả ba đều thuộc nước Tấn cũ, nên họ cũng được gọi là Tam Tấn (三晉). Nước Tấn tiếp tục tồn tại với một vùng đất nhỏ cho tới tận năm 376 TCN khi một lần nữa, phần còn lại đó lại bị Tam Tấn chia nhau.